Sống ở Sài Gòn nhiều năm nhưng tôi có một vài dự án đầu tư tại Phú Quốc, di chuyển nhiều nên tôi cũng quen thuộc Phú Quốc như nơi tôi sống. Nhưng thật đáng lo ngại vì Phú Quốc của tôi ngập nặng không khác gì Sài Gòn. Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão và tình trạng ngập nặng. Tôi nghĩ mình cũng nên chia sẻ góc nhìn của mình về thực trạng hiện tại của Phú Quốc với vai trò là kiến trúc sư, nhà đầu tư và một người yêu Phú Quốc từ lâu.
Một trong những nơi ngập sâu là thị trấn Dương Đông. Nguyên nhân ngập là do hệ thống thoát nước nội đô ở Dương Đông đã xuống cấp, trong khi đó dân số và tình trạng đô thị hóa quá tải làm cho hệ thống thoát nước không thoát kịp, cộng với lượng mưa lớn dồn dập trong nhiều ngày liền. Chưa kể, có quá nhiều công trình xây dựng mọc lên lấn chiếm các suối nhỏ có thể thoát nước tự nhiên. Trong những năm gần đây dọc các tuyến đường lớn như Trần Hưng Đạo, Dương Đông Cửu Cạn, đường 30/04… nhiều nhà hàng, quán ăn, nhà trọ, khách sạn, khu bungalow nhỏ lẻ… kinh doanh dịch vụ du lịch giá rẻ do người dân, nhà đầu tư nhỏ xây dựng mọc lên như nấm. Các công trình này thường xây dựng trái phép, xây dựng lên cả đất nông nghiệp.
Phú Quốc ngập nặng ( ảnh : người Phú Quốc )
Đến Phú Quốc bạn dễ dàng bắt gặp những dự án phân lô bán nền mà cơ sở hạ tầng gần như không có, nhiều dự án chỉ xẻ con đường bê tông 5m chạy dọc rồi phân nền, tách thửa để bán. Đây là cách thức làm ăn manh múng, cơ hội và đầy tham lam của một số nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt.
Một dự án phân lô tại Phú Quốc ( Ảnh : Vietnamnet)
Các dự án do các tập đoàn lớn tại Phú Quốc thi nhau triển khai nhưng việc đấu nối hạ tầng dự án với hạ tầng chung Phú Quốc không đồng bộ, không hoàn chỉnh nên gây nên tình trạng ngập nặng như đợt mưa dài ngày vừa qua.
Các nhà đầu tư mua đất Phú Quốc, san lấp suối mà sông, suối cũng được xem là hệ thống thoát nước tự nhiên nên tình trạng ngập úng diễn ra là điều đương nhiên. Đặc biệt là sông Dương Đông kênh thoát nước chính bị tắc nghẽn, mực nước dâng cao kết hợp triều cường góp phần gây ngập. Phá rừng, cạp núi để xây dựng công trình là chuyện dễ dàng nhìn thấy được ở Phú Quốc.
Các hệ thống hạ tầng quan trọng như: điện, cấp nước, giao thông, sân bay… đều đã hoặc sắp quá tải. Hiện tại, ngành điện đã thi công đường cáp điện thứ 2 đưa điện từ đất liền ra đảo. Việc xử lý rác thải nhiều năm nay vẫn chưa giải quyết được bài toán này, hiện tại nhà máy xử lý rác ở Đảo ngọc vẫn chưa đi vào hoạt động.
Với sự phát triển quá nhanh tại Đảo Ngọc thiết nghĩ Kiên Giang phải tập trung kiện toàn bộ máy quản lý, không thể dùng bộ máy chính quyền nông thôn để quản lý một hòn đảo đang phát triển và thu hút đầu tư một cách thần tốc như hiện nay. Siết chặt quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái tại Phú Quốc .
Tôi chỉ mong muốn Phú Quốc là môi trường đầu tư trong lành trong đó phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ là điều cơ bản nhất. Xây dựng Phú Quốc phải có lộ trình rõ ràng, cụ thể.
Tôi nghĩ đợt ngập lần này là “thuốc thử” của thời tiết dành cho đảo Ngọc, cũng là dịp để mọi người thức tỉnh về một Phú Quốc đang phát triển quá nhanh mà chưa có tầm nhìn, giải pháp đồng bộ. Phú Quốc được điều kiện tự nhiên ưu đãi nhưng nếu như thế này, đường lên “đặc khu” còn xa lắm.
10.08.2019 – K’ Him – KTS. Nguyễn Viết Khim